“Quốc gia khởi nghiệp”là câu chuyện viết về sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Israel từ lúc lập quốc cho đến khi trở thành quốc gia có nền công nghệ hàng đầu thế giới. Quyển sách này có thể trả lời cho những thắc mắc làm thế nào một đất nước nhỏ bé lại có thể tồn tại giữa sự thù địch của các quốc gia lân cận, đối phó với những cuộc chiến giữ vững bờ cõi mà vẫn tạo ra sự sáng tạo vượt bậc trong các lĩnh vực công nghệ, quân sự và dân sự.
Danh Mục Bài Viết
Tóm tắt sách “quốc gia khởi nghiệp”
Sách bao gồm 14 chương:
- Chương 1: “Ngoan Cố”
- Chương 2: Doanh Nhân Trên Chiến Trường
- Chương 3: Nhân Vật Của Quyển Sách
- Chương 4: Harvard, Princeton Và Yale
- Chương 5: Nơi Trật Tự Gặp Hỗn Loạn
- Chương 6: Một Chính Sách Công Nghiệp Hiệu Quả
- Chương 7: Nhập Cư
- Chương 8: Cộng Đồng Do Thái Hải Ngoại
- Chương 9: Phép Thử Của Buffett
- Chương 10: Yozma
- Chương 11: Phản Bội Và Cơ Hội
- Chương 12: Từ Đầu Đạn Tên Lửa Đến Mạch Nước Phun
- Chương 13: Thế Lưỡng Nan Của Sheikh
- Chương 14: Các Mối Đe Dọa Đối Với Sự Thần Kỳ Của Nền Kinh Tế
1. Cuốn sách này có gì dành cho tôi? Hãy tìm hiểu thứ gì đã nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp của một quốc gia!
Liệu bạn có thể vừa sinh ra đã trở thành doanh nhân với thiên phú “sáng tạo”? Theo như Senor và Singer, đất nước Israel có thể cho bạn một bệ phóng như thế.
Bài tóm tắt sẽ chỉ ra làm thế nào Israel trở thành cường quốc thế giới trong lĩnh vực sáng tạo và kinh doanh.
Nền văn hóa và yếu tố địa chính trị khiến Israel quy tụ được những công ty khởi nghiệp bền vững, sáng tạo có thể tạo dựng mọi thứ từ xe điện cho đến hệ thống chuyển tiền.
Vậy nên nếu bạn tò mò muốn biết làm thế nào mà những yếu tố xã hội và kinh tế đặt nền móng cho những phi vụ khởi nghiệp thành công thì Israel là một quốc gia đáng để nghiên cứu.
Trong bài tóm tắt này, bạn sẽ khám phá:
- Làm thế nào ý tưởng của Israel phá bỏ những rào cản thường gặp khi sử dụng phương tiện điện.
- Người Israel đã sống chung với ý niệm chống phân cấp thứ bậc như thế nào.
- Quá trình quân đội tạo những câu chuyện kinh doanh thành công rực rỡ.
[show_Qc_Ads_Post]Tham khảo thêm về sách kinh tế tại đây.
2. Israel là trung tâm của sáng tạo và kinh doanh – mảnh đất màu mỡ cho những công ty khởi nghiệp
Giới truyền thông trước sau như một thường đưa tin lệch lạc về Israel, chỉ tập trung vào những mâu thuẫn chính trị liên miên giữa Israel và những nước láng giềng, mâu thuẫn với người Palestin hoặc vấn đề hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên có một khía cạnh quan trọng của Israel lại thường bị bỏ quên, đó chính là những thành tựu kinh tế và sáng tạo của đất nước này.
Rất nhiều người không biết rằng Israel là một trong những trung tâm thu hút được nhiều công ty sáng tạo và khởi nghiệp nhất trên thế giới.
Trên thực tế, Israel là nước mạnh tay chi tiền cho nghiên cứu và phát triển nhất. Do đó, Israel cũng là nước có mật độ công ty khởi nghiệp nhiều nhất trên thế giới, với tổng số 3,850 công ty, tức là cứ 1,844 người Israel thì có một người khởi nghiệp.
Ngày nay, khó có công ty công nghệ nào lại bỏ qua Israel, phần lớn là không. Lấy ví dụ là Cisco đã mua lại chín công ty khởi nghiệp của Israel và vẫn đang tiếp tục thu mua thêm.
Các công ty khởi nghiệp của Israel cũng thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư mạo hiểm – thước đo quan trọng nhất để đánh giá tiềm năng công nghệ. Năm 2008, số vốn đầu tư mạo hiểm bình quân đầu người của Israel gấp 2.5 lần Mỹ, gấp hơn 30 lần châu Âu và 80 lần Trung Quốc.
Các công ty Israel cũng hiện diện đầy quyền lực trên sàn chứng khoán NASDAQ của Mỹ, đông đảo hơn tất cả các sàn chứng khoán của công ty châu Âu cộng lại.
Văn hóa khởi nghiệp của Israel đề cao sự sáng tạo. BetterPlace là một ví dụ. Công ty này được thành lập để quảng bá xe chạy bằng điện. Những nhược điểm của xe điện có thể kể ra như ắc quy đắt, quãng đường di chuyển ngắn, thời gian sạc điện lâu.
Tuy nhiên, nếu người mua xe không cần mua kèm cả ắc quy, xe điện có thể rẻ ngang ngửa xe chạy xăng. BetterPlace lấy đó làm lợi thế và họ cho thuê ắc quy, xây các trạm thay ắc quy.
Nhưng tại sao văn hóa khởi nghiệp lại phát triển vượt bậc ở Israel chứ không phải một nơi nào khác? Hãy cùng khám phá!
[show_Qc_Ads_Post]3. Một nền văn hóa của thái độ nghi ngờ, tranh cãi và quyết đoán hình thành nên nét riêng biệt của Israel
Một lí do khiến Israel có nhiều thành tựu trong kinh doanh nằm ở tính cách của con người nơi đây. Người Israel sống và gắn bó với nền văn hóa bất trị, bất phân thứ cấp và quyết đoán.
Vào năm 2008, PayPal mua lại công ty Fraud Sciences của Israel – một công ty đã đưa ra giải pháp đối phó nạn gian lận thanh toán trực tuyến.
Scott Thompson, giám đốc PayPal vào thời điểm đó đã nói rằng cách hành xử của nhân viên Fraud Sciences trong cuộc gặp mặt đầu tiên đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ông. Họ không hề sợ hãi và công khai khiêu chiến phương thức phát hiện gian lận của PayPal.
Scott Thompson đã trải nghiệm cái gọi là tinh thần chutzpah của người Israel – một từ Do Thái có nghĩa là “táo bạo”, “cả gan”. Với người Israel, tinh thần chutzpah là điều hết sức bình thường. Cho dù là ở nhà, ở trường học hay trong quân đội, họ cũng được học rằng sự quyết đoán luôn được hoan nghênh và kì vọng.
Người Israel cũng có truyền thống nghi ngờ và không phân thứ cấp. Thái độ luôn đặt câu hỏi đã ăn sâu vào tín ngưỡng của dân tộc này nhờ có hàng thế kỉ tranh cãi trong giới giáo sĩ Do Thái về cách thức diễn giải Kinh Thánh.
Diễn giải và phản biện bất tận tạo nên một nền văn hóa nghi ngờ và tranh cãi xâm nhập vào cuộc sống người dân. Bởi vậy, tư duy xem nhẹ thứ bậc vẫn hiện hữu trong xã hội Israel.
Ví dụ như trong quân đội Israel, họ rất thiếu sĩ quan cấp cao, sự thiếu hụt này dẫn đến việc rất nhiều sáng kiến đến từ các sĩ quan cấp thấp hơn.
Thêm vào đó, mỗi năm một lần, Israel sẽ bổ sung hàng ngàn người vào lực lượng quân dự bị. Điều này hạn chế sự phân cấp xã hội vì trong quân dự bị, tài xế taxi có thể ra lệnh cho tỉ phú, hay các thanh niên có thể huấn luyện cho bậc cha chú của mình.
[show_Qc_Ads_Post]4. Quân đội Israel đóng vai trò vườn ươm cho các khởi nghiệp công nghệ cao và trang bị cho học viên làm quen với môi trường kinh doanh
Vì người Israel đều phải nhập ngũ tối thiểu là hai năm, lực lượng quân đội là một phần quan trọng của xã hội.
Quân đội cũng là xuất phát điểm cho nguồn năng lượng sáng tạo của Israel, do đó nó trở thành vườm ươm cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ.
Tại Israel, tất cả thanh thiếu niên 17 tuổi bắt buộc phải có mặt tại các trung tâm tuyển quân và hoàn thành bài kiểm tra tâm lí và khám sức khỏe. Những ai có biểu hiện xuất sắc trong buổi trình diện sẽ được trao cơ hội huấn luyện tại những đơn vị quân đội tinh nhuệ, trong đó Talpiot là nơi cấp cao nhất.
Học viên Talpiot phải hoàn thành văn bằng đại học cao cấp về Toán và Vật lí, cùng lúc làm quen với những yêu cầu công nghệ của mọi nhánh của quân đội Israel. Mục đích của việc này là để biến họ thành những lãnh đạo có khả năng tìm ra giải pháp đa ngành có thể áp dụng vào vấn đề quân sự.
Mặc dù huấn luyện của Talpiot được thiết kế để phát triển lực lượng công nghệ tinh nhuệ cho quân đội, học viên cũng có thể áp dụng quá trình học tập và kết hợp kinh nghiệm lãnh đạo và kiến thức kỹ thuật vào việc thành lập các doanh nghiệp mới, họ đã có bước chuẩn bị lí tưởng để áp dụng vào kinh doanh.
Nhưng không chỉ những học viên của Talpiot được huấn luyện như thế này mà mỗi đơn vị quân đội đều có những bài tập về sáng tạo và giải quyết vấn đề – kĩ năng hữu ích trong môi trường kinh doanh.
Hơn thế nữa, quân đội là nơi các thanh niên nam nữ làm việc chung với những người có nền tảng văn hóa, điều kiện kinh tế xã hội và tôn giáo khác nhau. Học cách hòa hợp với nhiều loại người rất có lợi cho các học viên khi cần giao tế với đối tác quốc tế sau này.
Một điểm cộng nữa là nhiều mối quan hệ kinh doanh được thiết lập trong những tháng ngày họ cùng hợp tác và huấn luyện.
Chúng ta có thể thấy cách mà quân đội Israel đã nuôi dưỡng nền văn hóa doanh nghiệp, và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi những học viên bước ra từ quân đội gây dựng nên một số cái tên nằm trong danh sách những doanh nghiệp thành công nhất tại Israel.
[show_Qc_Ads_Post]5. Nông trang và ngành đầu tư mạo hiểm mới đánh dấu hai bước nhảy vọt về kinh tế của Israel
Lịch sử kinh tế Israel được đánh dấu bằng hai cú nhảy ngoạn mục.
Cú nhảy đầu tiên diễn ra vào những năm 1948 – 1970, cú nhảy thứ hai bắt đầu từ 1990 và vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Trong hai cú nhảy vọt này, Israel đã chuyển dịch từ một quốc gia kém phát triển trở thành cái nôi sáng tạo đầu tiên trên thế giới.
Các cộng đồng công xã được gọi là kibbutzim (nông trang) là trung tâm của cú nhảy vĩ đại đầu tiên của Israel. Nông trang được tạo ra như các khu định cư nông nghiệp nhằm xóa bỏ sự tư hữu và đem lại sự bình đẳng cho toàn dân. Nông trang vừa có tính công xã vừa có tính dân chủ và là nơi sản sinh ra nhiều đột phá về công nghệ.
Ví dụ ở nông trang Hatzerim vùng sa mạc Negev, đất nhiễm mặn nặng và khó có thể canh tác được gì. Để giải quyết thế lưỡng nan này, các thành viên của nông trang đã nghĩ cách để rửa mặn đến độ có thể trồng trọt được.
Họ đã thành công và vào năm 1965, nông trang này bắt đầu làm thương mại: phát triển hệ thống tưới tiêu. Đó là tiền thân của Netafim – công ty toàn cầu về kĩ thuật tưới nhỏ giọt.
Trong suốt thời gian diễn ra cú nhảy vọt thứ hai, một ngành đầu tư mới được hình thành.
Năm 1993, chính phủ Israel bắt đầu thực hiện ý tưởng về chương trình tên Yozma, áp dụng nhiều ưu đãi về thuế cho những khoản đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài đổ vào Israel, hứa hẹn sẽ nhân đôi mọi khoản tiền đầu tư với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ.
Động thái này khiến cộng đồng đầu tư mạo hiểm Mỹ sẵn sàng bỏ tiền cho những công ty khởi nghiệp Israel, khiến Israel có tên trong làn sóng công nghệ những năm 1990. Trong thời gian này, doanh thu các sản phẩm công nghệ cao của Israel tăng vọt từ 1.6 tỷ đô la lên 12.5 tỉ đô la.
Cuối cùng, chương trình Yozma đã tạo nên một ngành đầu tư mạo hiểm mới giúp khắc phục những điểm yếu trong văn hóa khởi nghiệp của Israel và trở thành điểm then chốt cho cú nhảy vọt kinh tế lần thứ hai.
[show_Qc_Ads_Post]6. Người nhập cư vào Israel cũng như người Israel di cư sang nước ngoài đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế
Hãy thử tưởng tượng rằng bạn có thể ăn mọi thứ bạn muốn cho bữa tối, từ đồ ăn Yemen đến đặc sản Nga, rồi thì các món ăn đến từ Địa Trung Hải.
Ở Israel, đây là một thực tế vì với dòng người nhập cư đông đảo, đất nước Do Thái này trở thành nhà của hơn 70 dân tộc và nền văn hóa.
Làn sóng nhập cư đã tạo lực cho nền kinh tế Israel phát triển.
Hãy thử lấy ví dụ về những người Do Thái Liên Xô. Vào những năm 1990, làn sóng nhập cư ồ ạt của người Do Thái Liên Xô bắt đầu sau khi Liên Xô tan rã. Những người Liên Xô có bằng tiến sĩ và bằng kĩ sư ào ào đổ về Israel.
Mặc dù việc tìm việc làm và xây dựng nhà ở cho người nhập cư là quá sức với chính phủ lúc bấy giờ nhưng người nhập cư đã đến rất đúng lúc.
Giữa những năm 1990, sự bùng nổ công nghệ thế giới đang trên đà phát triển và ngành công nghệ của Israel cũng rất cần các kĩ sư. Những kĩ sư người Liên Xô chính là những người các công ty khởi nghiệp kĩ thuật cần và họ đã đóng góp một phần lớn vào những phi vụ khởi nghiệp thành công.
Một nguồn tài năng mới rất có lợi cho nền kinh tế, nhưng những người đã rời khỏi Israel thì sao? Sự dịch chuyển của người đi, người ở cũng góp phần nuôi dưỡng nền kinh tế.
Chẳng hạn như sau khi kiếm được tấm bằng kĩ sư tại Đại học Ben-Gurion ở Beersheba, Michael Laor đã giành được vị trí giám đốc kĩ thuật và kiến trúc tại Cisco bang California. 11 năm sau, vào năm 1997, anh quyết định trở về Israel.
Để giữ chân nhân tài, Cisco quyết định để Laor thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Israel. Vào năm 2008, trung tâm của Laor đã có 700 nhân viên và Cisco đã chi ít nhất là 1.2 tỷ đô la để mua lại và đầu tư vào các công ty Israel.
Những con người như Michael Laor trái ngược hẳn với khái niệm “chảy máu chất xám” tốn bao giấy mực của thế giới.
[show_Qc_Ads_Post]7. Israel biến những bất lợi địa chính trị thành lợi thế kinh tế
Israel có vị thế tứ bề thọ địch và luôn trong tình trạng xung đột không ngừng. Đây dường như là bất lợi cho nền kinh tế, nhưng thực tế hoàn cảnh địa chính trị đem lại lợi thế về lâu về dài.
Israel đã thành công biến sự cô lập chính trị thành nền tảng bồi đắp kiến thức và sáng tạo.
Vì những vấn đề chính trị, người Israel không thể đi du lịch sang các nước láng giềng mãi cho đến gần đây. Sống trong cảnh biệt lập, cũng dễ hiểu tại sao người Israel hướng ra thế giới và đánh vào lĩnh vực công nghệ và viễn thông, hai lĩnh vực khiến đường biên giới và khoảng cách địa lí đều trở thành vô nghĩa.
Hơn nữa, cấm vận thương mại của Ả Rập khiến Israel bắt buộc phải xuất khẩu sang những thị trường nước ngoài xa xôi. Kết quả là các công ty Israel bỏ qua những mặt hàng cỡ lớn, dễ sản xuất, chi phí vận chuyển cao, nhắm tới sản xuất những linh kiện công nghệ nhỏ gọn và phần mềm.
Sự hạn chế địa chính trị khiến quốc gia Do Thái trở thành nền kinh tế dựa vào tri thức và sáng tạo – xu hướng vẫn còn ý nghĩa đến hôm nay.
Ngoài ra, Israel đã biến những đe dọa chính trị họ phải chịu thành ưu thế trong nền kinh tế công nghệ cao.
Lúc mới đầu, Israel chọn mua hệ thống vũ khí hạng nặng từ các nước bên ngoài, thay vì đầu tư nguồn lực lớn để sản xuất.
Sau 1948, Israel trở thành đồng minh của Pháp, được Pháp cung cấp thiết bị quân sự và máy bay chiến đấu.
Nhưng năm 1967, Pháp thu hồi những hỗ trợ này, đẩy Israel vào thế bí vì vị trí địa chính trị và nguy cơ chiến tranh liên miên với các nước láng giềng. Sự kiện này làm Israel hướng về sự độc lập về công nghệ, vì thế, Israel bắt đầu phát triển công nghệ quân sự cho riêng mình.
Những tài năng công nghệ ấn tượng trước từng tham gia dự án quân sự, sau này phục vụ nền kinh tế – chỗ mà các kĩ sư quân đội tốt nghiệp tham gia lĩnh vực công nghệ tư nhân và giúp thúc đẩy sự bùng nổ công nghệ.
[show_Qc_Ads_Post]8. Những nguy cơ đe dọa thành công của Israel
Văn hóa khởi nghiệp của Israel đã được gây dựng, tuy nhiên thời gian mới chỉ được chục năm.
Sẽ ra sao nếu nền kinh tế thần kì của Israel chỉ là sự may mắn ngẫu nhiên? Để đảm bảo những thế mạnh hiện tại, kinh tế Israel sẽ phải vượt qua vài thách thức.
Đầu tiên là nền kinh tế Israel quá phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.
Nguồn vốn sụt giảm đồng nghĩa là các công ty khởi nghiệp sẽ có ít tiền đầu tư hơn. Minh chứng là trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, lượng tiền đầu tư mạo hiểm đã sụt giảm. Khi tài chính không được cung cấp đầy đủ, rất nhiều công ty rất có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài đóng cửa.
Các công ty cũng đang quá dựa dẫm vào thị trường xuất khẩu.
Hơn một nửa GDP của Israel đến từ việc xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á. Khi những nền kinh tế này gặp khó khăn, các công ty sẽ có ít khách hàng hơn.
Vì lệnh cấm vận của Ả Rập, Israel không thể tiếp cận đại bộ phận thị trường khu vực và thị trường nội địa thì không đủ lớn để thay thế thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, mối đe dọa đáng lo nhất cho sự phát triển kinh tế Israel là sự tham gia ít ỏi vào nền kinh tế.
Tỉ lệ tham gia lao động thấp (chỉ hơn 50%) tập trung ở hai cộng đồng: Haredim – người Do Thái chính thống cực đoan và người Do Thái gốc Ả Rập.
Trong những cư dân Do Thái Israel trong độ tuổi 25 – 64, 84% nam giới và 75% nữ giới có việc làm. Đối với phụ nữ Ả Rập và đàn ông Haredim, tỉ lệ này gần như ngược lại: lần lượt 79% và 73% không có việc làm.
Nguyên nhân chủ yếu là những nhóm lao động này không phục vụ trong quân đội. Có nghĩa là họ ít có cơ hội học và phát triển các kĩ năng kinh doanh mà quân đội cung cấp, họ không thể tạo dựng mạng lưới kinh doanh như những người Do Thái Israel đã làm khi ở trong quân ngũ.
[show_Qc_Ads_Post]Kết luận sách “Quốc gia khởi nhiệp”:
Với ngòi bút sắc sảo, phong phú và tập trung những lời nhận xét thực tế từ những doanh nhân thành công hàng đầu, “Quốc gia khởi nghiệp” đã đem đến những cái nhìn mới mẻ về con người và đất nước Israel, làm sáng tỏ phần nào những thành công tưởng chừng như không tưởng của đất nước nhỏ bé này. Cá tính quyết liệt, dám thách thức và sáng tạo không ngừng của những con người Do Thái lưu vong, chạy trốn và sống sót sau những cuộc thảm sát trong Chiến tranh thế giới thứ II, không cam chịu cuộc sống nghèo khó, họ đã cùng với những người theo Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái gầy dựng và bảo vệ đất nước Israel bằng chính sức lực của mình và khiến cả thế giới phải kinh ngạc.
Ngày nay, Israel là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới và có lĩnh vực công nghệ phát triển không hề thua kém Thung lũng Silicon của Hoa Kỳ. “Quốc gia khởi nghiệp” được xuất bản với hy vọng sẽ đem đến cho độc giả những bài học về khởi nghiệp của một quốc gia luôn có nền kinh tế phát triển sôi động, con người thì luôn hướng đến sự cách tân và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.