Tóm tắt sách: Đi Tìm Lẽ Sống | Viktor Emil Frankl

Đi tìm lẽ sống

Đi tìm lẽ sống của Viktor Frankl là một trong những quyển sách kinh điển của thời đại. Thông thường, nếu một quyển sách chỉ có một đoạn văn, một ý tưởng có sức mạnh thay đổi cuộc sống của một người, thì chỉ riêng điều đó cũng đã đủ để chúng ta đọc đi đọc lại và dành cho nó một chỗ trên kệ sách của mình. Quyển sách này có nhiều đoạn văn như thế.

Tham khảo thêm sách| Không Bao Giờ Là Thất Bại! Tất Cả Là Thử Thách | Chung Ju Yung tại đây.

Đi tìm lẽ sống
Đi tìm lẽ sống

Trước hết, đây là quyển sách viết về sự sinh tồn. Giống như nhiều người Do Thái sinh sống tại Đức và Đông Âu khi ấy, vốn nghĩ rằng mình sẽ được an toàn trong những năm 1930, Frankl đã trải qua khoảng thời gian chịu nhiều nghiệt ngã trong trại tập trung và trại hủy diệt của Đức quốc xã.

Điều kỳ diệu là ông đã sống sót, cụm từ “thép đã tôi thế đấy” có thể lột tả chính xác trường hợp này. Nhưng trong Đi tìm lẽ sống, tác giả ít đề cập đến những khó nhọc, đau thương, mất mát mà ông đã trải qua, thay vào đó ông viết về những nguồn sức mạnh đã giúp ông tồn tại.

Đi tìm lẽ sống
Đi tìm lẽ sống

Ông chua xót kể về những tù nhân đã đầu hàng cuộc sống, mất hết hy vọng ở tương lai và chắc hẳn là những người đầu tiên sẽ chết. Ít người chết vì thiếu thức ăn và thuốc men, mà phần lớn họ chết vì thiếu hy vọng, thiếu một lẽ sống. Ngược lại, Frankl đã nuôi giữ hy vọng để giữ cho mình sống sót bằng cách nghĩ về người vợ của mình và trông chờ ngày gặp lại nàng.

Ông còn mơ ước sau chiến tranh sẽ được thuyết giảng về các bài học tâm lý ông đã học được từ trại tập trung Auschwitz. Rõ ràng có nhiều tù nhân khao khát được sống đã chết, một số chết vì bệnh, một số chết vì bị hỏa thiêu. Trong tập sách này, Frankl tập trung lý giải nguyên nhân vì sao có những người đã sống sót trong trại tập trung của phát xít Đức hơn là đưa ra lời giải thích cho câu hỏi vì sao phần lớn trong số họ đã không bao giờ trở về nữa.

Đi tìm lẽ sống
Đi tìm lẽ sống

Nhiệm vụ lớn lao nhất của mỗi người là tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Frankl đã nhìn thấy ba nguồn ý nghĩa cơ bản của đời người: thành tựu trong công việc, sự quan tâm chăm sóc đối với những người thân yêu và lòng can đảm khi đối mặt với những thời khắc gay go của cuộc sống.

Đau khổ tự bản thân nó không có ý nghĩa gì cả, chính cách phản ứng của chúng ta mới khoác lên cho chúng ý nghĩa. Frankl đã viết rằng một người “có thể giữ vững lòng quả cảm, phẩm giá và sự bao dung, hoặc người ấy có thể quên mất phẩm giá của con người và tự đặt mình ngang hàng loài cầm thú trong cuộc đấu tranh khắc nghiệt để sinh tồn”. Ông thừa nhận rằng chỉ có một số ít tù nhân của

Đức quốc xã là có thể giữ được những phẩm chất ấy, nhưng “chỉ cần một ví dụ như thế cũng đủ chứng minh rằng sức mạnh bên trong của con người có thể đưa người ấy vượt lên số phận nghiệt ngã của mình”.

Phần một: Những trải nghiệm trong trại tập trung.

Ngay từ khi bắt đầu câu chuyện của mình, Victor đã nhấn mạnh rằng ông không hề có ý định kể lại những gì mà ông đã phải trải qua trong trại tập trung của Đức quốc xã. Thay vào đó, ông sẽ kể lại những gì mà những người tù trong trại tập trung phải trải qua để trả lời cho câu hỏi: “Các tù nhân nghĩ về cuộc sống hằng ngày trong trại tập trung như thế nào?”. Đây là một điểm đặc biệt ở cuốn sách: nó cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống của người tù trong trại tập trung chứ không phải là một góc nhỏ trong đó dưới cái nhìn và trải nghiệm của tác giả.

Một ngàn rưỡi người bị giam trong một khu được xây dựng có sức chứa tối đa khoảng hai trăm người. Chúng tôi lạnh và đói. Không đủ chỗ cho mỗi người ngồi trên nền đất trống, nói chi đến ngả lưng. Khẩu phần ăn của chúng tôi trong suốt bốn ngày chỉ là một mẩu bánh mì ít ỏi.

Khung cảnh được tái hiện này là lúc Victor đang cùng những người vô tội khác bị vận chuyển đến trại tập trung Auschwitz. Họ đang dần tiến đến một nơi vô cùng kinh khủng mà chính họ cũng chẳng hề hay biết. Sinh mệnh của những người tù này phụ thuộc vào một cái chỉ tay của những tên lính SS( những tên lính trong trại Auschwitz): những người trông ốm yếu sẽ phải chấp nhận kết cục là cái chết đầy đau đớn trong phòng hơi ngạt ở phía bên tay trái, còn những người “trông có vẻ nhanh nhẹn” sẽ được đưa sang bên tay phải và trở thành một người tù “chính thức”. Nhưng số phận của họ liệu có tốt đẹp hơn không? Không ai có thể biết được.

Những người tù may mắn còn sống sót này sẽ được “vệ sinh sạch sẽ”. Họ phải lột bỏ quần áo, cạo sạch lông và đi tắm:

Trong khi chúng tôi đợi tắm, sự trần truồng đã thức tỉnh chúng tôi: chúng tôi giờ thực sự chẳng còn gì ngoài cơ thể trời sinh này- ngay cả một sợi lông cũng không; tất cả những gì mà chúng tôi sở hữu, theo đúng nghĩa đen, chỉ là cơ thể trần trụi này.

Mặc dù những người tù này đều phải chịu đựng những hoàn cảnh như nhau, song một vài người tù lâu năm lại chẳng hề có thiện chí đối với những người mới đến trại giam. Họ đưa ra một vài “lời khuyên” khiến cho những người mới này bị bọn lính SS(những tên lính phụ trách quản lý người tù) đánh đập vô cùng tàn nhẫn.

Sau một thời gian ngắn ở trong trại tập trung với một hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, Victor nhận ra một điều rằng: “Các cuốn sách giáo khoa đều nói dối”. Sức chịu đựng của con người ta đôi khi vượt ra ngoài tất cả những giới hạn sống được ghi chép lại trong sách. Họ có thể giữ tỉnh táo khi không ngủ trong nhiều giờ liền, họ cũng có thể không tắm trong nhiều ngày và để mặc cho những vết thương cáu bẩn lại mà chẳng hề bị nhiễm trùng. Victor đã nói rằng:

Đúng, con người có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, nhưng đừng hỏi chúng tôi bằng cách nào.

Giai đoạn đầu ở trong Auschwitz, những người tù không thể chứng kiến được cảnh những người khác bị đánh đập dã man, anh ta quay mặt đi. Song nhiều ngày sau phải đối mặt với cảnh bạo lực như vậy, người tù đã thay đổi.

Cảnh những người đau đớn, hấp hối và chết đã trở nên quá quen thuộc với anh suốt nhiều tuần ở trại; chúng không còn có thể khiến anh xúc động được nữa.

Cuộc sống trong trại tập trung luôn khiến cho người tù ở trạng thái căng thẳng về tâm lý bởi họ luôn phải suy nghĩ làm cách nào để tiếp tục duy trì sự sinh tồn của bản thân. Người ta thường nói trong giấc mơ, những mong ước và khát khao sẽ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Song khi tỉnh dậy, người tù chắc chắn sẽ cảm thấy hoảng loạn bởi sự khác biệt quá lớn giữa thực tại và giấc mộng.

Tôi sẽ không bao giờ quên được việc mình bị đánh thức giữa đêm bởi tiếng ú ớ của người bạn tù nằm bên, rõ ràng anh ấy đang trong cơn ác mộng. Bởi luôn thấy thương cảm cho những người phải chịu đựng những cơn ác mộng hay mê sảng nên tôi đã muốn đánh thức người đàn ông tội nghiệp đó dậy. Tôi đưa tay định lay anh ấy dậy nhưng bỗng nhiên tôi rụt tay lại, lo sợ điều mình sắp làm. Vào lúc đó, tôi nhận thức rõ một sự thật rằng không có giấc mơ nào, cho dù có ghê sợ đến mấy, lại đáng sợ bằng thực tế ở trại, vốn đang bủa vây chúng tôi; vậy mà tôi lại định đưa anh ấy trở lại với thực tế còn khủng khiếp hơn cả cơn ác mộng kia.

Phần hai: Sơ lược về liệu pháp ý nghĩa

Những người tù luôn phải đối mặt với sự tuyệt vọng bởi khung cảnh tàn khốc trong trại tập trung đã khiến họ dần mất đi lý do để tồn tại. Là một bác sĩ tâm lý, Victor đã giúp những tù nhân đó tìm lại được ý nghĩa cho sự tồn tại của mình. Và cách mà ông giúp những người tù đó, sau này được ông nghiên cứu và phát triển thành “liệu pháp ý nghĩa”. Có thể nói, “liệu pháp ý nghĩa” là đứa con tinh thần mà Victor đã phải đánh đổi bằng những năm tháng khổ sai trong trại tập trung chết chóc Auschwitz.

Liệu pháp ý nghĩa có nhiệm vụ trợ giúp bệnh nhân tìm thấy “ý nghĩa” trong cuộc sống của họ. Bởi vì liệu pháp ý nghĩa khiến người bệnh nhận ra được ý nghĩa bị che khuất trong sự tồn tại của mình, cho nên nó là một quá trình phân tích.”

Victor có nhắc đến một hiện tượng tâm lý phổ biến mà có thể điều trị bằng liệu pháp ý nghĩa là “Trạng thái tồn tại chân không”. Đó là trạng thái mà con người sẽ rơi vào khi họ sống mà không có bất cứ một mục đích nào. Song mỗi tình huống trong đời tương đương với một thử thách mà bản thân người đó phải đối mặt và đưa ra lời giải cho chính mình. Cuộc sống luôn đặt câu hỏi cho con người và bắt họ đi tìm lời đáp cho câu hỏi đó. Chính bởi vậy, “Liệu pháp ý nghĩa” coi trách nhiệm là điều cần thiết cho sự tồn tại của con người.

Liệu pháp ý nghĩa cố gắng giúp bệnh nhân nhận ra trách nhiệm của bản thân để người đó hiểu được trách nhiệm của mình là để thực thi nhiệm vụ nào, hướng tới mục tiêu gì, hoặc dành cho ai. Đó là lý do tại sao các chuyên gia liệu pháp ý nghĩa ít áp đặt các xét đoán của mình lên bệnh nhân, bởi vì họ không bao giờ cho phép bệnh nhân đẩy trách nhiệm về phía bác sĩ.”

Theo liệu pháp này, con người có ba cách để tìm ra ý nghĩa cuộc sống của mình:

1, Tạo ra một công việc hoặc thực hiện một điều gì đó.

2, Trải nghiệm điều gì đó hoặc gặp gỡ một ai đó.

3, Thái độ chúng ta đối mặt với đau khổ.

Ngoài ra, tác giả cũng đưa ra những ý nghĩa của tình yêu thương và sự đau khổ để giúp cho những người bệnh có thể thực sự tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống.

Tình yêu là cách duy nhất để thấu hiểu đến tận cùng một con người. Không ai có thể nhận thức đầy đủ về bản chất của con người trừ khi đã đem lòng yêu thương người ấy.

Bằng cách chấp nhận đau khổ, xem đó như là thử thách cần vượt qua, cuộc sống sẽ có ý nghĩa đến tận phút cuối cùng, và nó vẫn giữ nguyên ý nghĩa này cho đến khi mọi sự kết thúc. Nói cách khác, ý nghĩa cuộc sống là một ý nghĩa vô điều kiện, bởi vì nó bao hàm luôn cả ý nghĩa về nỗi đau không thể tránh được.

Lời kết

Cuốn sách Đi tìm lẽ sống là một cuốn sách đáng đọc giúp nâng đỡ tinh thần con người. Victor E. Frankl đã cho chúng ta thấy rằng cho dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, con người ta cũng có thể lạc quan mà sống. Thái độ chúng ta nhìn cuộc sống sẽ quyết định toàn bộ cuộc đời của chúng ta. Một con người có thể trải qua cuộc sống trong trại tập chung Đức quốc xã mà vẫn có thể lạc quan để tiếp tục sống thì cớ sao chúng ta không thể?

Nếu một người không thể thay đổi hoàn cảnh khiến mình đau khổ thì người đó vẫn có thể chọn cho mình một thái độ sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *