ĐỪNG BAO GIỜ ĐI ĂN MỘT MÌNH – Tự mình nỗ lực chưa phải là cách thuận lợi nhất để vươn tới thành công
Dạo này, chợt nhận ra là mình khá thích đọc các bài viết self-help hay có tính chất motivational. Sáng nào cũng cố gắng dậy sớm để lên mạng tìm đọc các bài viết như thế, về mọi chủ đề thiết yếu nhất như cuộc sống, tình yêu, công việc, năng suất hay sức khỏe,… hầu như đều đọc bằng tiếng Anh, phần vì muốn luyện kỹ năng Reading một cách thoải mái nhất ( chứ không đủ kiên trì để ngồi cày nguyên một quyển sách viết bằng tiếng Anh), và một phần cũng để khích lệ bản thân làm việc một cách hăng hái suốt ngày còn lại.
[show_Qc_Ads_Post]Nhớ nhiều hôm đọc được các bài viết chạm đúng tim đen mà khoái chí vô cùng, và thế là cả ngày học hành làm việc như trâu để rồi tối ngẫm lại lại thấy khâm phục và hài lòng về bản thân quá. Cũng vì thế nên tự lúc nào, các bài viết self-help đã trở nên vô cùng quan trọng với mình, giống như bữa cơm hằng ngày vậy, một ngày không đụng đến nó là bứt rứt không yên.
Và rồi cũng nổi hứng đầu tư tiền cho những cuốn sách self-help. Cuốn đầu tiên đọc, giống như rất nhiều người khác làm quen với thể loại sách kiểu này, là Đắc nhân tâm.
Và phải công nhận đây là một trong những cuốn sách hay nhất mà mình từng đọc, khổ nỗi hồi đấy chưa có thói quen lưu lại trích dẫn hay nên giờ câu chữ nó trôi đi đâu hết rồi T_T
Và quyển thứ hai mình chọn chính là quyển này, “Đừng bao giờ đi ăn một mình”, vì đọc review trên tiki thấy rất tốt, và cuốn sách cũng chạm tới một lĩnh vực mà mình cho rằng mình đang yếu kém nhất, đó là “kết bạn và gây dựng một mạng lưới quan hệ rộng rãi”.
Và vì thế, mình quyết định lựa chọn cuốn sách này những mong nó sẽ giúp cải thiện khả năng giao tiếp của mình.
Nhưng hình như cái ấn tượng ban đầu của mình hơi bị lầm lẫn. Đọc bìa sách thấy ghi “Bí quyết dẫn đến thành công thông qua xây dựng mối quan hệ”, mình tưởng cuốn sách sẽ dạy cho ta những bí kíp để cải thiện khả năng giao tiếp, kết bạn, nhưng đọc rồi mới thấy, nó sâu, nó chuyên nghiệp và rộng rãi hơn thế.
Cuốn sách hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm của chính tác giả trong suốt những năm gây dựng sự nghiệp. Keith Ferrazi( hình như là tác giả chính) vốn xuất thân từ một gia đình nghèo.
Tuy nhiên, không để hoàn cảnh xuất thân của mình trở thành một rào cản, ông hăng hái tìm việc, từ một người nhân viên không quyền cao chức trọng, ông từng bước vươn lên những vị trí cao hơn, làm việc ở những nơi có tầm vóc phát triển lớn mạnh hơn.
Tất cả mọi nỗ lực ông dày công gây dựng đều thông qua việc không ngừng học hỏi, thay đổi bản thân và quan trọng nhất, ông luôn cố gắng mở rộng mạng lưới quan hệ của mình. Và cũng chính vì thế mà Keith đã trở thành CEO của FerazziGreenlight, trở thành nhà tư vấn tin cậy của các công ti lớn nhỏ hay của những CEO hàng đầu, về phương pháp phát triển kinh doanh thông qua gây dựng các mối quan hệ.
[show_Qc_Ads_Post]Mình thực sự cảm phục Keith bởi ông luôn có một tầm nhìn xa và vững chắc, luôn kiếm tìm cơ hội để phát triển. Trên con đường theo đuổi danh vọng của mình, ông tâm sự mình đã từng trải qua nhiều sai lầm, ông đã từng quá tự phụ, ông cũng đã từng đặt niềm tin của mình vào nhầm chỗ, và những sai lầm đấy khiến Keith gặp phải những thất bại vô cùng lớn, nhưng ông đã xem lấy thất bại đó làm kinh nghiệm để vươn lên, và chuyển bại thành thắng.
Chính nhờ tầm nhìn xa trông rộng của mình, Keith luôn sẵn sàng nắm bắt lấy mọi cơ hội để tới gần hơn với mục đích mình đề ra, và cơ hội đó chính là mở rộng mạng lưới của mình để phát triển kinh doanh.
Đọc cuốn sách này, ta thấy được ở Keith mọi tố chất của một con người thành đạt: một người sẵn sàng đứng dậy sau những vấp ngã, một người luôn xem nghịch cảnh làm nhân tố thúc đẩy bản thân một cách mạnh mẽ hơn, một người luôn tin vào những khả năng và nỗ lực bằng mọi giá để nắm bắt những khả năng ấy cho dù việc đó liều lĩnh và rủi ro đến nhường nào, một người có tài quảng giao rộng rãi và có thể trở thành một người bạn tin cậy của bất cứ ai, một người không bao giờ dừng lại trên con đường tìm kiếm cơ hội gây dựng mối quan hệ bởi đó là niềm đam mê, là điều sống còn, ý nghĩa nhất….
Chính ở Keith, ta nhận ra những thiếu sót của chính bản thân mình.Keith luôn sống ngoài vùng an toàn và chính vì thế, ông đã đạt được những thành công ngoài mong đợi và tích lũy được những kinh nghiệm quý báu.
Sau đây là đôi lời review về cuốn sách. Nói chung là mình không hề hối tiếc khi lựa chọn cuốn sách này vì đơn giản đây là một cuốn sách thực sự hữu ích. Tuy nhiên vì chưa đến tuổi dấn thân vào con đường sự nghiệp đầy gian truân trắc trở nên vẫn còn đôi chỗ chưa thấm và khó áp dụng, nhưng thực sự cuốn sách giúp mình nhận ra rất nhiều kỹ năng giao tiếp quan trọng.
Từ việc làm thế nào để bắt đầu mối quan hệ với người khác một cách ấn tượng, cách đề xuất quan điểm bản thân và xây dựng ý tưởng, cách tạo sự chú ý đối với những người có tầm cỡ, hay cách tạo dựng thương hiệu cá nhân,…. và vô vàn những kinh nghiệm khác nữa có thể hỗ trợ chúng ta trong con đường theo đuổi thành công.
Keith đã truyền đạt tới người đọc những thông điệp giá trị từ những điều nhỏ nhất, như hãy tranh thủ tham gia các buổi tiệc, buổi hội thảo,.. để làm quen với những gương mặt thành đạt, hay phải biết giữ phép lịch sự và dành sự quan tâm với cả những người không có vai vế hàng đầu của một công ti….
[show_Qc_Ads_Post]Tất cả những điều đó đều đáng phải khiến chúng ta khắc cốt ghi tâm, bởi chỉ chút thay đổi nhỏ đó thôi có thể trở thành một bước đưa ta gần hơn tới mục tiêu của mình. Lời văn chắc và sắc sảo, bên cạnh đó lại dựa trên những đúc kết từ chính những gì mà tác giả đã trải qua vì thế có tính tác động mạnh mẽ tới người đọc.
Chính từ những bài học giá trị của tác giả, mình mới thấm thía được rằng: để thành công, nỗ lực về chuyên môn thôi chưa đủ mà ta còn phải nỗ lực nối kết, nối kết ở đây không chỉ đơn thuần là cố gắng làm quen, trở thành bạn bè tin cậy của càng nhiều người càng tốt mà đó còn là việc biết kiến tạo giá trị bản thân, xây dựng thương hiệu cá nhân đúng cách để biến việc nối kết trở thành một điểm mạnh và nấc thang đưa chúng ta vươn tới những mục tiêu mình đề ra.
Những trích dẫn hay trong sách
“ Thay đổi là một quá trình gian nan. Bạn có thể phải mất đi những người bạn, đối mặt với những chướng ngại tưởng chừng không thể nào vượt qua, và chiến đấu với một rào cản lớn nhất – sự nghi ngờ của bản thân.”
“Chọn lựa ở đây không phải giữa thành công và thất bại; mà là chọn lựa giữa một bên là liều lĩnh và đạt đến vĩ đại, và một bên là không dám rủi ro và chỉ mãi ở mức tầm thường.”
“Những người giỏi nhất là những người không cố tình tạo mối quan hệ, họ kết bạn. Họ được nhiều người ngưỡng mộ và tin tưởng chính bởi vì họ có những cử chỉ thân thiện với tất cả mọi người. Họ tạo dựng được một cộng đồng những người ủng hộ mặc dù đây không phải là mục đích của họ mà chỉ là một kết quả tất yếu.”
“Khi phải gọi trực tiếp cho một người mà tôi chưa từng trò chuyện qua bao giờ, tôi thường cố gắng gọi vào một giờ không bình thường. Một người bận rộn thường có nhiều khả năng nhấc điện thoại lúc 8 h sáng hay 6h30 tối. Thêm vào đó, lúc này họ không quá căng thẳng vì những áp lực công việc.”
“Khi chúng ta kết thúc một cuộc nói chuyện mang tính hình thức, không tự nhiên, ngập ngừng do chúng ta không dám bộc lộ mình, chúng ta tự an ủi mình bằng cách đánh giá thấp cuộc gặp gỡ này, hoặc nhiều khi là đánh giá thấp người đối diện bằng lối suy nghĩ “đằng nào thì giữa mình với họ cũng không có điểm gì chung”
“Tôi thường áp dụng một kỹ thuật rất hữu ích là cố gắng tưởng tượng mình là tấm gương phản ánh người tôi đang tiếp chuyện. Giọng điệu nói chuyện của họ như thế nào? Họ nói chuyện lớn tiếng hay nhỏ nhẹ? Ngôn ngữ hình thể của họ thể hiện như thế nào? Khi bạn tự điều chỉnh mình thành một tấm gương của người kia, họ sẽ tự động cảm thấy thoải mái hơn. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là bạn không thành thật. Trên thực tế, nó thể hiện bạn đặc biệt nhạy cảm trước tính khí của người khác. Và bạn chỉ hơi biến đổi phong cách của mình một chút để đảm bảo cho cánh cửa vẫn rộng mở.”
“ Hãy thể hiện sự quan tâm thật sự đến người khác
Hãy biết cách lắng nghe. Khuyến khích người khác tự nói về bản thân họ
Hãy nhường cho người khác được nói thật nhiều.
Mỉm cười
Nói những gì người khác muốn nghe
Khen ngợi thành thật và thẳng thắn.”
“Nên nhớ, khi người ta tuyển dụng, người ta không chỉ tuyển người họ thích, họ còn mong muốn tìm được một người có thể giúp họ và công ti ngày càng đi lên. Điều này đồng nghĩa với tìm kiếm một người có một cái nhìn rộng mở về thế giới. Điều này có nghĩa là bạn phải chú ý đến tài sản trí tuệ của mình, và những gì mình nói ra liệu có mang lại lợi ích cho người khác hay không. Lời nói của bạn thể hiện sự quan tâm, tích cực đóng góp vào thế giới quanh mình.”
[show_Qc_Ads_Post]“Bạn không thể làm công việc có ý nghĩa, thay đổi thế giới, trừ khi bạn phải kiên trì học hỏi, phát triển và thử thách những kỹ năng của mình. Nếu bạn muốn người khác xác định lại giới hạn công việc của bạn cũng như vị thế của bạn trong công ti, chính bạn phải là người đầu tiên nới rộng giới hạn của mình. Điều này có nghĩa là bạn phải làm nhiều hơn được yêu cầu. Điều này có nghĩa là mỗi năm bạn phải thêm được nhiều ý vào trong bản tóm tắt quá trình làm việc. Điều này có nghĩa là bạn phải biết vận dụng những nối kết trong và ngoài mạng lưới để giúp bạn hoàn thành những dự án được giao một cách xuất sắc.”
“Làm được việc không thôi chưa đủ. Bạn phải làm được việc và kêu gọi sự ủng hộ của những người xung quanh, không phải chỉ tham gia một phần trong quá trình làm việc mà tham gia cả vào quá trình lãnh đạo.”
“SỰ kiêu hãnh là một căn bệnh có thể phản bội lại bạn, làm cho bạn quên đâu là những người bạn thật sự và tại sao họ lại quan trọng đối với bạn đến thế. Ngay cả khi bạn có ý định tốt, nếu bạn quá kiêu căng thì người ta cũng bực mình và muốn đưa bạn về đúng chỗ của mình.
“Trong qúa trình trèo lên đỉnh núi ,phải biết khiêm tốn. Giúp đỡ người khác cùng leo lên núi với bạn và trước bạn”
“ Khi bạn mất cân bằng, bạn sẽ nhận thấy ngay vì mình bị hối hả, giận dữ, thấy thiếu ý nghĩa. Khi bạn cân bằng, bạn vui tươi, hăng hái và đầy hàm ơn”
“Tâm hồn chúng ta không khao khát danh vọng, của cải hay quyền lực, những thứ đó mang đến cùng với nó rất nhiều vấn đề. Tâm hồn chúng ta khao khát ý nghĩa, cảm giác chúng ta đã tìm ra cách sống một cuộc đời có ý nghĩa để làm thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn mỗi khi chúng ta đi qua.”
“Một cuộc đời nhiều nối kết giúp bạn có cái nhìn khác. Cuộc sống không phải là một cuộc chinh chiến mà là một cái chăn ghép mảnh thật to. Chúng ta tìm thấy ý nghĩa, thấy tình yêu, sự thịnh vượng khi chúng ta chung tay thắt chặt những nỗ lực táo bạo của mình để giúp mọi người tìm thấy con đường cho cuộc đời họ. Mối quan hệ chúng ta thiết lập giống như một hình mẫu phức tạp và liên tục.”
THAM KHẢO SÁCH
[show_coupon_end_post]